Khởi sắc nông nghiệp Sơn la

Thứ ba - 24/11/2020 00:26
Thời gian gần đây, Sơn La đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp nâng cao đời sống người nông dân mà còn khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả của Sơn La.
xoài sơn la
xoài sơn la

Trước đây, phần lớn diện tích đất của người dân thuộc địa bàn xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) đều là vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, người dân trong xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích chuyên canh các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, bơ...

Vừa kiểm tra lại vườn xoài để chuẩn bị cho một vụ mới, ông Nguyễn Ngọc Thuân ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu vừa chia sẻ, trước đây gia đình tôi trồng giống xoài tròn bản địa. Được sự hướng dẫn của phòng Nông nghiệp huyện, tôi đã chuyển sang ghép giống xoài tượng da xanh. Giống xoài này sức đề kháng tốt, ít bị sâu bệnh; quả to, đều, phù hợp với việc xuất khẩu. “Vụ xoài trước, gia đình tôi chọn được hơn 2 tấn xoài đạt chất lượng tốt để xuất khẩu sang Anh, với giá 25 nghìn đồng/kg, thu về trên 55 triệu đồng. Chuyên canh xoài tượng da xanh đã thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi”, ông Thuân nói thêm.

Tìm hiểu được biết, thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đời sống của hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, xác định thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sơn La đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến, tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, Sơn La đã và đang hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn; từ đó, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức lại sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sơn La cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 chính sách và 15 đề án để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lập, phê duyệt, rà soát điều chỉnh bổ sung 23 quy hoạch ngành, sản phẩm ngành nông nghiệp, gồm: quy hoạch chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp; quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch cánh đồng lớn; nước sạch nông thôn; ngành nghề nông thôn; sắp xếp và bố trí dân cư; phòng, chống thiên tai; quy hoạch phát triển cây cao su, cà phê, chè, mía, bông vải, sắn, dược liệu, rau an toàn, quả an toàn, bò sữa, cá tầm...

Việc thực hiện các nội dung này đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Sơn La ngày càng phát triển. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của ngành nông nghiệp bình quân/năm giai đoạn 2016 - 2020 dự ước 4,2%, cao hơn 55% so với trung bình của cả nước. Năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 12.858 tỷ đồng. Giá trị thu hoạch trên ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sơn La, nét nổi bật trong sự khởi sắc của nông nghiệp địa phương những năm qua đó là tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản. Điển hình là vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha tập trung chủ yếu các huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên; vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha tập trung tại một các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500 ha tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.600 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu...

 Nông dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thu hoạch nhãn chín sớm. (Ảnh: Đức Tuấn).

Trao đổi tại Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2025” được tổ chức gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao những kết quả của tỉnh Sơn La trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơn La là “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” khi từ một tỉnh chỉ “quanh năm bán sắn, bán ngô” nay đã phát triển mạnh kinh tế rừng, đẩy nhanh phát triển cây công nghiệp, mang lại sức sống hoàn toàn khác biệt. Thực tế cho thấy, việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng, tăng năng lực các nhà máy chế biến đã trực tiếp giúp nâng cao giá trị nông sản Sơn La. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được triển khai đồng bộ quyết liệt, các chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt an toàn được duy trì và tiếp tục phát triển đã giúp việc cung cấp sản phẩm rau, quả, thịt an toàn đến người tiêu dùng ngày càng có hiệu quả. Nông sản Sơn La đã dần trở thành sự lựa chọn thường xuyên, tin cậy của nhiều người.

Phát huy những kết quả tích cực nói trên, để sản xuất nông nghiệp tiếp tục có những bước khởi sắc, thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công, gồm: khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm... Đồng thời, mở rộng hợp tác với các tỉnh trong cả nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu hàng nông, lâm, thủy sản hữu cơ của Sơn La./.


Phạm Minh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn