Nếp Tú Lệ, Hạt ngọc trời cho
Truyền thuyết về giống lúa
Cụ Tòng Văn Khỏ - bố đẻ của cựu bí thư xã Tú Lệ Tòng Văn Minh kể rằng: Người Thái đến đây cư trú không biết tự bao giờ, nhưng đến đời ông là đời thứ tám hay thứ chín gì đấy, tính ra khoảng trên 300 năm rồi.
Cánh đồng Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân đèo Khau Phạ phình ra như một chiếc thúng, có người ví như cái chum đựng vàng. Tiếng Thái - Khau Phạ nghĩa là Cổng Trời, là ranh giới giữa phía đông và phía tây vùng Tây Bắc. Mùa khô thì rất rõ, sườn đông mây mù mịt rét buốt, còn sườn tây nắng gió ngào ngạt. Nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây chênh lệch rất lớn, ngày thì ấm áp, còn về đêm rất lạnh ngủ phải đắp chăn.
Từ trên đèo Khau Phạ nhìn xuống xã Tú Lệ nằm trọn trong lòng thung lũng, đây là nơi cư trú tập trung của đồng bào Thái đen và Thái trắng. Họ là con cháu của Tạo Xuông, Tạo Ngần từ đất Mường Lò lên, từ Than Uyên (Lai Châu) và Mường La (Sơn La) tới trong cuộc thiên di vĩ đại chinh phục những vùng đất Tây Bắc núi rừng hoang vu, thung lũng ngập tràn lau lách và cỏ dại.
Những người đầu tiên đến khai khẩn cánh đồng Tú Lệ là những người Khơ Mú, do mắc một căn bệnh lạ, chết dần chết mòn, thấy thế họ sợ quá nên gồng gánh nhau bỏ đi. Cụ Tòng Văn Khỏ cho biết: Phía trên bản Phạ còn một bãi tha ma, người ta gọi là Heo Xả - ma người Xá. Đó là di tích còn sót lại của người Xá.
Khi người Thái về đây họ tiếp tục khai phá mở mang thêm ruộng đồng, nhiều thửa ruộng leo lên tận sườn núi, chỗ nào có nước là có ruộng. Họ mang những giống lúa từ nhiều vùng đất đến đây gieo cấy nhưng đến mùa thu hoạch chả được là bao, mặc dù họ làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến khi tắt nắng mặt trời mà vẫn không đủ ăn.
Vị cao niên nhất bản Phạ - có nghĩa là bản Trời, đêm đêm quì gối giữa cánh đồng cầu trời cho mùa màng bội thu. Rồi một đêm ông nằm mơ thấy Ngọc Hoàng hiện ra, Người đặt vào tay ông mấy hạt thóc và bảo: Giữ những hạt thóc này đến mùa mà cấy sẽ đủ gạo ăn quanh năm…
Ông giật mình mở mắt ra, chả thấy Ngọc Hoàng đâu, chỉ thấy một vệt sao băng phía đỉnh đèo Khau Phạ. Sớm hôm sau ông cơm đùm cơm nắm lẳng lặng ngược suối Nặm Lung chảy từ trên đèo Khau Phạ xuống. Ông cứ đi mãi, mấy ngày trời ròng rã, chợt một hôm ông nhìn thấy một khóm lúa mọc ở ven khe suối, chạm tay vào đã ngửi thấy mùi thơm, ông nghĩ có lẽ đây là giống lúa Trời, nên ông ngắt về làm giống.
Điều kỳ lạ giống lúa này cắm xuống và chỉ làm qua một lượt cỏ là lên xanh tốt bời bời, mùa gặt bông nào cũng trĩu hạt to như đuôi trâu, có bông một con gà trống không tha nổi. Bởi thế người ta chỉ cấy một vụ cũng đủ lúa ăn quanh năm.
Lại có người kể rằng: Trước đây người ta chỉ biết làm nương rẫy, khi bị hạn hán, sâu bệnh hoành hành cây lúa nương không lên nổi, mất mùa dân đói phải vào rừng tìm kiếm củ rừng về ăn thay cơm.
Tết năm ấy một người con hiếu thảo không biết lấy gì cúng cha mẹ, anh ta chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than. Thương người con hiếu thảo Thần núi mới hiện ra bảo anh hãy lên Khau Phạ - Cổng Trời, Tiên sẽ cho một giống lúa tốt về trồng, đủ ăn cả năm. Sớm hôm sau anh nông dân cứ theo dòng suối ngược lên Khau Phạ. Anh đi mãi gần tới chiều thì gặp một khóm lúa dại mọc bên bờ suối, chuột và chim đã ăn gần hết chỉ còn sót lại một vài hạt. Nhặt những hạt lúa mang về chờ tới mùa gieo.
Anh không ngờ những cây lúa xanh tốt lạ thường, mùi thơm có từ khi lúa đang thì con gái. Khi lúa trổ bông cánh đồng thơm ngất ngây mùi hương lúa. Mùa gặt về anh nông dân chọn những bông lúa to nhất giã gạo rồi đồ xôi để cúng tổ tiên và tạ ơn trời đất. Người ta gọi giống nếp thơm Tú Lệ hạt ngọc trời cho.
Giống nếp thơm nổi tiếng
Tiếng Thái gọi lúa nếp là “khẩu san”, còn gạo tẻ là “khẩu sẻ”. Tú Lệ có 3 loại nếp thơm: Tan Chậu, Tan Lả, Tan Pỏm. Tan Lả là giống lúa thơm nhất, nhưng từ khi gieo đến khi gặt phải 7 tháng cây cao, năng suất thấp, Tan Pỏm cấy ruộng lầy thụt, hai giống nếp này nhiều năm nay bà con không cấy nên đã mất giống. Tan Chậu dẻo ngon hơn cả và dễ làm nên được bà con gìn giữ đến tận bây giờ.
Cánh đồng Tú Lệ có 172ha ruộng nước, trước đây đất còn tốt người ta chỉ cấy một vụ, chủ yếu là lúa nếp đủ ăn cả năm. Nay người đông, họ cấy hai vụ chủ yếu là các giống lúa tẻ năng suất cao, nhưng người dân vẫn dành khoảng trăm ha vụ mùa cấy lúa nếp vào những chân ruộng tốt gần suối Nậm Lung.
Nếp thơm Tú Lệ hạt to và tròn, đều chằn chặn như nhau có mùi thơm rất lạ. Mỗi khi nhà nào đồ xôi khi đổ cơm ra chiếc mẹt quạt cho bớt hơi nước trước khi cho vào cóm khẩu - giỏ đựng cơm - thì cả bản đều biết.
Nếp thơm Tú Lệ chỉ cấy được ở Tú Lệ, nhiều người đã lấy giống lúa đó mang đến các nơi khác gieo cấy nhưng đều không thể thơm ngon bằng cấy trên đất Tú Lệ, sau vài năm thì thoái hóa. Ngay ở xã Tú Lệ có 11 thôn bản nhưng chỉ có 7 thôn bản Phạ Trên, Phạ Dưới, Bản Côm, Nước Nóng, Pom Ban, Nả Loóng, Púng Xổm tưới dòng suối Nặm Lung chảy từ trên đèo Khau Phạ xuống thì lúa gạo mới thơm ngon, còn các bản khác cũng cấy giống lúa ấy nhưng không thơm ngon bằng nếp ở các thôn bản kia.
Trước khi vào vụ gặt họ chọn những bông lúa to hạt mẩy làm “khẩu mẩu” - cốm, còn “khẩu hang” khi lúa gần chín họ mang về luộc, phơi hơn một nắng thì giã lấy gạo đồ xôi, họ mổ gà vịt làm lễ cúng cơm mới để tạ ơn trời đất đã cho người dân Tú Lệ giống lúa thơm ngon và cầu cho mùa vụ tốt tươi.
Theo các nhà khoa học nếp Tú Lệ thơm ngon là bởi khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến cây lúa tích trữ được nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt, đất Tú Lệ có nhiều mùn và khoáng chất với những vi lượng chưa thể giải mã được. Cũng bởi cánh đồng được tưới dòng Nặm Lung chảy từ Khau Phạ xuống, dòng nước trong vắt, mùa hạ thì mát lạnh, mùa đông thì ấm áp…
Cốm thơm Tú Lệ
Ngày trước, người dân nơi đây làm cốm chỉ để ăn chơi, gọi là là “khẩu mẩu”. Khoảng gần chục năm trở lại đây người ta bắt đầu làm cốm bán cho khách qua đường, nhất là mùa du lịch vào cuối tháng chín hàng năm.
Vào mùa cốm, năm nào tôi cũng lên Tú Lệ mua cốm và tham dự Lễ hội giã cốm mới hình thành được mấy năm. Phó Chủ tịch xã Tú Lệ - ông Hoàng Văn Soàn dẫn tới thăm gia đình ông Lò Văn Oa - trưởng bản Nà Loóng nhà nằm sát ven đường lên Mù Cang Chải.
Ông Oa thành thật: Năm nào nhà mình cũng làm cốm để cúng ông bà, tổ tiên. Năm ấy mình bảo vợ làm mấy chục cân để bán cho khách qua đường. Không ngờ khách mua hết ngay, tính ra làm cốm còn lãi hơn bán thóc. Năm sau mình bảo vợ làm nhiều hơn nhưng cũng không đủ bán. Thấy bán được giá, lại có tiền tiêu, bản Nà Loóng có 172 hộ thì có đến hai phần ba số hộ làm cốm. Mới đầu họ gửi lên chợ, bây giờ thì bán tại nhà. Hộ ở xa đường thì nhờ hộ gần đường bán hộ…
Mùa cốm bắt đầu từ khoảng giữa tháng 8, họ gặt lúa ở những chân ruộng cấy sớm. Nhiều hộ cấy sớm, họ làm cốm để cúng xíp xí (rằm tháng 7 âm lịch) để dâng lên tổ tiên đã có công khai khẩn mảnh đất này.
Theo ông Soàn, diện tích cấy lúa nếp ở xã Tú Lệ hiện nay khoảng 100ha, người ta cấy rải ra làm nhiều đợt, để mùa cốm kéo dài hơn một tháng. Từ khi bản Nà Loóng làm cốm cho thu nhập cao các bản khác như Pom Ban, Phạ trên, Phạ dưới đều làm cốm. Số hộ làm cốm tính ra có hơn 100 hộ. Năm ngoái vào mùa Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải có ngày bán được hơn 1.000kg cốm, trung bình mỗi ngày bán được từ 300 - 500kg. Cả mùa cốm bán chừng 30 tấn chứ không ít đâu…
Những khách du lịch từ các tỉnh qua đây người ít mua một vài kg, có người mua cả yến để làm quà. Có người đã ăn cốm Làng Vòng nói: Cốm Tú Lệ ngon hơn cả cốm Làng Vòng. Càng nhai càng ngọt và có mùi thơm ngầy ngậy…
Mỗi khi Tết đến, người từ khắp nơi đổ lên Tú Lệ mua gạo nếp Tú Lệ đồi xôi hay làm bánh chưng cúng ông bà tổ tiên thể hiện tấm lòng thành của con cháu.