Đèo Khau Phạ: Nơi đất trời hò hẹn
Ruộng bậc thang dưới chân đèo Khau Phạ. |
Và có một ngọn đèo trong những ngọn đèo đó, để lại cho tôi một dấu ấn lạ: Đèo Khau Phạ. Đó là ngọn đèo mà bạn phải đi qua nếu muốn đến Mù Cang Chải từ Hà Nội, để chênh vênh cùng các ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, hay mùa nước đổ. Đèo Khau Phạ dường như là một “báu vật” để cho những người muốn tìm đến vẻ đẹp của đất trời nơi này, trước khi chạm đến những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ được tạo ra bởi bàn tay con người, sẽ ngẩn ngơ như đi trong một cõi phiêu bồng.
Đèo Khau Phạ được giải thích là: “Sừng trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), quanh năm sương mù luôn phủ trắng đỉnh đèo, nhìn từ xa trông giống như một chiếc sừng mọc giữa biển mây, và dẫu đã từng đi qua đây, sẽ cảm nhận mỗi lần đi mỗi khác giống như bốn mùa xoay chuyển làm thay đổi cỏ cây nơi này.
Nếu bạn đã từng qua những ngọn đèo khác, không nói đến những ngọn đèo trên trục Quốc lộ 1A, mà là những ngọn đèo chông chênh miền Tây Bắc và Đông Bắc, bạn sẽ có cảm giác như khi đi qua đèo giống như một cuộc thưởng ngoạn. Tỉ dụ như đèo Thung Khe ở Hòa Bình lại chênh vênh bên vách đá trắng, gặp những dãy hàng che tạm bán các loại đặc sản, bạn dừng chân để ngắm cánh đồng lúa bên dưới.
Có thể bạn đã qua đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) để có cảm giác như đường xa thăm thẳm, và cũng có thể bạn vượt qua đèo Ô Qui Hồ giáp Lào Cai và Lai Châu, có cảm giác cứ lên cao mãi là gặp trùng mây. Đèo Khâu Phạ dài 30 km, ở độ cao 1.200 mét tất nhiên cũng biết bao nhiêu con dốc, vô cùng những đoạn uốn cong và cứ đi là đường mở ra giống như bạn đang làm một phép màu cho cánh cửa bí ẩn ngàn năm. Người ta gọi Khau Phạ là nơi đất trời hò hẹn, dẫu tính độ cao thì còn thua đèo Ngoạn Mục hoặc đèo Khánh Lê ở miền Trung- Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự kỳ ảo khiến người tìm tới phải reo lên: “Đẹp quá” là điều không thể bàn cãi.
Trước khi đến chân đèo là gặp làng Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn. Con đường qua Tú Lệ uốn cong lòng chảo, có con suối nước nóng băng qua, có cả 200 hecta lúa nếp làm ra lúa nếp Tú Lệ ngon tuyệt vời, mà ai một lần ăn xôi từ loại nếp này sẽ luôn nhớ. Đèo không chỉ là con đường, mà còn là thắng cảnh với độ dài 20km đến La Pán Tẩn. Ngay chân đèo đã là ruộng lúa, đủ để dừng chân chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.
Đèo Khau Phạ. |
Hôm tôi qua đèo Khau Phạ có một cơn mưa dang dở. Cơn mưa làm mượt mà cây cỏ, giống như đang đi vào một miền cổ tích. Đi và nhìn lại là cả con đường vắt ngang qua những ngọn núi, để ngỡ ngàng như mình đã len qua cổng trời đến tận chót vót cao. Khau Phạ được liệt vào một tròng bốn ngọn đèo đẹp nhất Tây Bắc: Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ. Ngọn đèo thoắt ẩn thoát hiện, có khi chen giữa cỏ cây, có khi bung ra, một bên là núi, một bên là vực. Những vực sâu ở Khau Phạ khác biệt các ngọn đèo khác, là có cư dân sinh sống, ruộng bậc thang như tạo một vẽ đẹp hoàn mỹ. Thỉnh thoảng, áp vào ven đường là những ngôi nhà sàn của người dân tộc Mông, thường có những cây mận, cây đào mà nếu đi đúng mùa hoa nở thì như gặp một bức tranh đẹp.
Lưng chừng đèo có vài quán bán cá hồi, cá tầm. Khách có thể dừng chân, vào quán, ra hồ cá chọn con cá nào mình thích, nhà hàng sẽ làm món. Đặc biệt, việc không bán bia rượu ở các nhà hàng này nhằm đảm bảo cho các tài xế lái xe tỉnh táo.
Qua đèo Khau Phạ như đi qua một bài thơ. Điểm tham quan đôi khi là một bãi đất trống, dừng chân ngắm nhìn bao quát cả trùng điệp núi rừng, rồi leo lên con dốc, đến Điểm nhảy dù lượn. Nhảy dù lượn tại nơi này, ở trên dù nhìn xuống cả một thung lũng vào mùa lúa chín là cảm giác vô cùng thích thú. Tại đây còn có món đặc sản thịt heo hun khói, cứ để từng tảng đã nướng chín bên lửa than, ăn rất ngon.
La Pán Tẩn là điểm nhấn của cuộc hành trình. Đây là một làng nhỏ, một ngôi chợ nhỏ, gần như không có quán cà phê và chẳng có quán ăn. Có thể dừng cuộc hành trình ở đây để ngày mai, thuê một chiếc xe máy hoặc ngồi sau lưng một anh xe ôm để đi đồi Yên Ngựa, đồi Mâm Xôi, rừng trúc… Và ngỡ ngàng thật sự khi chạm gặp.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG