Đón Tết trong mùa hoa cao nguyên

Thứ tư - 10/02/2021 10:40
hững ngày này, không khí Tết cổ truyền rộn ràng khắp bản Tà Số của người dân tộc H’Mông ở xã Chiềng Hắc, một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn của huyện Mộc Châu, nhưng lại là một điểm sáng về du lịch cộng đồng của địa phương.

Những năm gần đây, từ hai tháng cuối năm trước đến hai tháng đầu năm mới, Mộc Châu (Sơn La) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách du lịch bởi vẻ đẹp tinh khôi từ những vườn hoa mận, hoa mơ rộ nở và những lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Những ngày này, không khí Tết cổ truyền rộn ràng khắp bản Tà Số của người dân tộc H’Mông ở xã Chiềng Hắc, một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn của huyện Mộc Châu, nhưng lại là một điểm sáng về du lịch cộng đồng của địa phương.

Người dân tộc H’Mông có cách tính lịch riêng cho nên thường đón Tết cổ truyền vào đầu năm dương lịch, sớm hơn khoảng một tháng so với Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm mơ, mận đang vào mùa nở hoa, khoe sắc trắng bừng sáng cả núi rừng Mộc Châu, nơi có khí hậu phù hợp với các loại cây ăn quả ôn đới như mận, mơ, đào, hồng giòn…

Những con đường nhỏ chạy qua vườn mơ, mận rợp hoa trắng trên đầu, xuyên qua đồng cải mênh mông hoặc những thảo nguyên cỏ xanh mướt là “đặc sản” của vùng này, rất được lòng du khách yêu thích trải nghiệm. Đặc biệt, bốn mùa hoa nối tiếp nhau suốt thời gian này, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp rực rỡ, đó là hoa cải (từ cuối tháng 11), hoa mơ, hoa mận (tháng 1), hoa đào (tháng 2) và hoa ban (tháng 3). 

Năm nay, người H’Mông đón Tết từ ngày 13 đến 15-1 (ngày 1 đến 3 tháng Chạp). Trong ba ngày Tết, họ có phong tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và đưa lên ban thờ như một sự tri ân những “người bạn” trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Từ ngày thứ tư, người H’Mông bắt đầu chơi Tết, khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống để sinh hoạt cùng cộng đồng, như tổ chức văn nghệ, trò chơi truyền thống (ném pao, đánh cù)...

Các cô gái dân tộc H’Mông để dành váy áo, trang sức đẹp nhất cho dịp này. Sắc mầu đỏ, vàng, cam của thổ cẩm H’Mông càng trở nên nổi bật giữa ngút ngàn sắc trắng hoa mơ, hoa mận, hoa cải… Người dân tộc H’Mông quan niệm đầu xuân có khách lạ từ xa đến chúc là điều may mắn sẽ đến với gia đình, báo hiệu năm mới tốt lành, mùa màng bội thu.

Bởi vậy, du khách du lịch Mộc Châu vào thăm bản đúng dịp Tết sẽ được tiếp đón nhiệt tình, tha hồ trải nghiệm ẩm thực truyền thống, thưởng thức điệu xòe ô, tiếng khèn và tiếng hát réo rắt. Đặc biệt, bánh dày là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người H’Mông, giống như bánh chưng đối với người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ, hoặc bánh tét ở miền nam...

Bánh dày của người H’Mông được làm từ gạo nếp nương loại ngon nhất, giã tay đến thật mịn, tạo hình tròn sao cho càng tròn càng đẹp, bởi họ cho rằng bánh dày tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - nguồn gốc của ánh sáng và sự sống muôn loài. Bánh dày sau khi cúng tổ tiên, trời đất, có thể đem hấp hoặc rán giòn, cách nào cũng thơm ngon. Nhà nào cũng tự làm bánh dày, cả bản còn tổ chức hội thi bánh dày rất đông vui và giàu ý nghĩa, nơi các chàng trai khoe sức khỏe giã bánh, các cô gái trổ tài khéo léo nặn bánh, gói bánh.

Đón Tết năm nay, đời sống của người dân bản Tà Số khấm khá hơn thấy rõ. Hiện, đường lên Tà Số đã được rải bê-tông, việc giao thương, buôn bán nông sản thuận tiện hơn. Trưởng bản Mùa A Của cho biết: “Tết năm nay khách đến đông hơn năm ngoái, cả bản đều rất vui. Nhiều hộ đang chuẩn bị để sắp tới cũng tham gia làm homestay”.

Từ năm 2019, Tà Số được huyện Mộc Châu chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông. Chính quyền khuyến khích, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phối hợp dự án AOP (do Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ, về “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng” giai đoạn 2019-2021) hỗ trợ vốn và kỹ thuật để các hộ cải tạo cơ sở vật chất làm homestay, xây dựng các sản phẩm khác ngoài lưu trú, tập huấn kỹ năng làm du lịch, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm... Trong đó, vai trò và nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số được đề cao. 

Bản Tà Số đã và đang đón lượng khách ổn định, kể cả trong thời điểm nhiều khu, điểm du lịch vắng vẻ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy mất đi một lượng khách quốc tế, nhưng đây cũng là một cơ hội để thu hút khách trong nước, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch như du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với du lịch cộng đồng.

Một số loại hình mới mẻ như trekking (đi bộ đường dài), marathon (chạy bộ) cũng đang được chú ý và đẩy mạnh. Nếu không có gì thay đổi, vào ngày 29-1 tới, Giải chạy địa hình Việt Nam Marathon Mộc Châu 2021 sẽ được tổ chức với gần 4.100 vận động viên tham dự. Bản Tà Số với những nếp nhà H’Mông ẩn hiện giữa vườn mận, mơ trắng muốt cũng nằm trên cung đường chạy này, hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp tới các vận động viên và du khách tham gia sự kiện.

Chị Lò Kim Tuyến, chủ cơ sở lưu trú Tada House Mộc Châu chia sẻ: “Tuy mối lo dịch bệnh chưa phải đã hết, nhưng dịp đầu năm nay chúng tôi vẫn có nhiều khách trong nước đặt tua, đặt phòng, nhất là đợt Tết Dương lịch có những cuối tuần phải từ chối khách mới vì hết chỗ. Hầu hết khách nhà tôi đều nói rằng họ cảm nhận được không khí của vùng này quá tuyệt vời và chi phí ăn uống, vui chơi hợp lý.Người dân địa phương thì thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng chỉ đường đến những vườn mơ, mận đang nở đẹp nhất, thậm chí còn mời ăn cơm, uống rượu cùng, tặng bánh dày làm quà nữa”. 

Phát triển du lịch cộng đồng là cách làm đang được nhiều địa phương miền núi tích cực triển khai để tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc. Người dân tộc H’Mông ở bản Tà Số tự hào, phấn khởi về những bước tiến thời gian qua và đang nỗ lực để trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu, điểm đến không thể thiếu mỗi khi du khách đến với Mộc Châu.


Bài và ảnh: HẢI LÂM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết