Nhìn việc dâu tây Mộc Châu gần 1 triệu/kg: đi đúng hướng

Thứ bảy - 13/03/2021 07:33
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, dâu tây hana được trồng ở Mộc Châu bán được giá cao như vậy (gần 1 triệu đồng ) là một thắng lợi rất lớn.
Nhìn việc dâu tây Mộc Châu gần 1 triệu/kg: đi đúng hướng

Thời gian gần đây, dâu tây Mộc Châu (Sơn La) được rao bán rất nhiều trên chợ mạng và với nhiều loại giá khác nhau. Thông thường, những người bán dâu tây Mộc Châu trên chợ mạng thường rao bán loại dâu víp có giá khoảng trên 200 nghìn đồng/kg nhưng tại những cửa hàng hoa quả sạch, loại dâu hana của Mộc Châu có giá khoảng gần 1 triệu đồng/kg.

Nói về giá dâu tây hana gần 1 triệu đồng/kg, ngày 12/3, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Minh Châu, HTX Đặc sản Tây Bắc cho biết, chị thường bán dâu tây trên trang Facebook cá nhân của chị. Năm nay dâu tây được mùa nên thu hoạch được nhiều, quả dây chín căng mọng, ăn ngọt thơm nên giá tương đối cao.

"Thông thường dâu tây hana nếu có chứng nhận VietGap thì giá sẽ còn cao hơn rất nhiều so với hàng chưa có chứng nhận. Thường thì dâu hana có chứng nhận VietGap sẽ được bày bán ở những cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội hay những người có tiền họ đặt trực tiếp ở vườn để đi biếu hoặc ăn.

Còn loại dâu bán trên chợ mạng chỉ trên 200 nghìn đồng/kg là những loại không có chứng nhận VietGap. Tất nhiên loại dâu bán gần 1 triệu đồng/kg là những quả to đều, 10 quả như cả 10 và có chứng nhận VietGap", chị Châu cho biết.


Nói về việc này, cùng ngày, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dâu tây trước đây được trồng nhiều ở Đà Lạt, giờ loại cây này trồng được ở Mộc Châu với chất lượng cao như vậy là một thắng lợi rất lớn.

"Đó là câu chuyện người dân đã nhập được giống nước ngoài về trồng, giống cao cấp. Loại quả có giá bán lẻ cao như vậy nhưng người dân trong nước, đặc biệt người dân Hà Nội, nhiều người có tiền rất chuộng, bán đắt hàng như thế là một tín hiệu rất đáng mừng.

Ở Việt Nam có một số vùng có khí hậu mát mẻ như ở miền Nam có Đà Lạt, miền Bắc có Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu, Tam Đảo. Đây là một lợi thế có thể khai thác, trồng dâu tây hay các loại quả khác có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay điều chúng ta chưa làm được đó là giống cây, toàn phải nhập mới trồng.

Nếu như chúng ta không chịu cải tiến các loại cây con, không chỉ nói nguyên cây dâu mà nhiều giống cây khác, phải đi nhập về nhiều thì chi phí bỏ ra sẽ nhiều hơn. Mặc dù giá bán cao nhưng chi phí bỏ ra nhiều thì cũng không phải là có lãi.

Điều cần bây giờ là chúng ta tự làm ra giống, để chi phí thấp, dù có bán giá rẻ thì người dân vẫn thu được lãi nhiều. Bởi vậy, nếu chúng ta chủ động làm thì sẽ có thắng lợi một cách mĩ mãn hơn", ông Thịnh nói.


Theo ông Thịnh, nếu muốn việc trồng dâu tây phát triển bền vững thì cần phải có các nghiên cứu, có chủ trương của nhà nước và địa phương. Tránh trường hợp trồng nhiều mà chất lượng giảm.

"Chúng ta đã có rất nhiều bài học về việc người nông dân thấy bán được mặt hàng gì là đua nhau trồng rồi đến lúc lại không bán được cho ai. Cái thiệt đó là người nông dân phải chịu. Chính bởi vậy, việc tránh trồng ồ ạt phải có hướng dẫn và chỉ đạo của chính quyền địa phương", ông Thịnh nhấn mạnh.

Được biết, giống dâu hana được trồng ở Mộc Châu có xuất xứ từ Nhật Bản, tên gốc là dâu tây Tochiotome. Cách đây gần chục năm, một người Nhật Bản tên Nahana Shojiro đã quyết định sang Việt Nam sinh sống và chọn Mộc Châu là vùng đất dừng chân. Anh mang theo giống dâu tây trồng thử nghiệm ở Mộc Châu.

Sau một thời gian, dâu tây Tochiotome cho thu hoạch với trái màu đỏ đậm, căng mọng, ăn ngọt thơm, khác hoàn toàn dâu tây Mỹ và Hàn Quốc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Giống dâu này dần được nhân rộng, trồng ngày càng nhiều ở Mộc Châu.

Thanh Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết