Tọa đàm: Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới

Thứ tư - 16/11/2022 18:18
Thổi' bản sắc văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là những giá trị nhân văn, bắt đúng xu hướng 'sống xanh' vào từng sản phẩm là giải pháp tốt nhất để mở rộng thị trường và xuất khẩu.

Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua đã đem lại những kết quả tích cực. Thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững, nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mở được đường vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm với chủ đề: “Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/11, bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết, câu chuyện làm thương hiệu cho 1 sản phẩm luôn rất khó, riêng với các sản phẩm tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc lại càng khó hơn.

Bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc chia sẻ kinh nghiệm đưa thương hiệu trà Shanam của Sơn La ra với thị trường.

Bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc chia sẻ kinh nghiệm đưa thương hiệu trà Shanam của Sơn La ra với thị trường.

Khó khăn lớn nhất khi làm thương hiệu cho sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc theo bà Hà chính là việc thay đổi nhận thức của người dân. Nếu với sản phẩm trà chế biến thủ công, bà con chỉ sao trà bằng củi lửa sẽ không đủ nhiệt để có thể tạo ra được sản phẩm trà tiêu chuẩn, khó được khách hàng ưa chuộng. Khó khăn thứ hai là lĩnh vực thị trường, nếu không có sự cộng hưởng của truyền thông và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành về cây trà cổ thụ, đến nay trà shanam khó định vị được để cho ra những dòng trà phù hợp với nhiều đối tượng cũng như nhiều thị trường.

“Đến nay dù đã tạo được thương hiệu riêng và có một số thành công, song có thể thấy một số Chương trình hỗ trợ sản xuất và thương mại từ phía Nhà nước vẫn chưa đủ để cho các DN có cơ hội dễ dàng tiếp cận. Trong những khó khăn chung, các DN khởi nghiệp hay muốn phát triển thương hiệu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cần phải tự chủ phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chắc chắn thương hiệu đó có thể là lan tỏa rộng hơn từ nơi vùng sâu vùng xa như chính thành công của trà Shanam”, bà Hà chia sẻ.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm:“Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới”.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm:“Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới”.

Định hình cho sự phát triển thương mại nói chung và đặc biệt là hàng hóa của đồng bào ở miền núi, đồng bào dân tộc nói riêng, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chính là sự chuyển đổi về nhận thức và tư tưởng phát triển. Câu chuyện thương mại hàng hóa của một vùng, một khu vực ngày nay không chỉ tính đến việc phát triển bền vững, không chỉ là tăng trưởng và người dân thu nhập cao hơn, điều vô cùng quan trọng phải là gắn với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm.

“Muốn đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền núi, dân tộc thiểu số lên tầm cao mới trước hết phải đáp ứng được xu hướng sống, xu hướng tiêu dùng. Xu hướng đó là gì? Đó là xanh, là an toàn, sạch sẽ nhưng như thế vẫn là chưa đủ, xu hướng ấy là còn phải là nhân văn gắn với tư tưởng phát triển, nhân văn ấy là để hỗ trợ cho những vùng miền, còn khó khăn; nhân văn trong tiêu dùng, trong lối sống lại chính là gắn với các tích truyện gắn với các cái truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc. DN hay thương hiệu không chỉ tận dụng các chính sách, chương trình mà còn tận dụng kỹ năng, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, cách thức quảng bá, cách thức tận dụng những “người khổng lồ” là hệ thống phân phối lớn trong nước và của nước ngoài”, TS. Võ Trí Thành phân tích.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ định hướng đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền núi, dân tộc thiểu số lên tầm cao mới.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ định hướng đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền núi, dân tộc thiểu số lên tầm cao mới.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm hàng hóa giữa các vùng miền luôn được Bộ Công Thương coi trọng. Trong 10 năm qua (từ 2010 - 2020), Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến 4 Chương trình lớn như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động về hội chợ; Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm với đặc trưng của hàng hóa đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Khẳng định hiệu quả của các hoạt động này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thành công lớn nhất chính là việc hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vào các hệ thống phân phối từ truyền thống cho đến hiện đại nhất.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025 với những đợt nhận diện hàng hóa rất lớn trên quy mô toàn quốc đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có sản phẩm, hàng hóa của bà con dân tộc thiểu số và khu vực miền núi.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục có những chương trình nhận diện và phát triển sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục có những chương trình nhận diện và phát triển sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng loạt trong việc kích cầu kinh tế trong nước, tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa trong nước và sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm được điều này, bà Nga cho rằng, phải xây dựng cho được hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ để kết nối tiêu thụ cho được sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài. “Hai nhiệm vụ này luôn được Vụ Thị trường trong nước đưa lên hàng đầu, triển khai bằng những giải pháp như kết nối cung cầu, truyền thông đã từng mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, phải có những chương trình về nhận diện riêng với quy mô lớn đối với những nhóm sản phẩm hàng hóa khu vực đặc thù này”, bà Nga khẳng định./.

 Tags: ocop sơn la

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết